Triển khai Việt_Nam_hóa_chiến_tranh

Tăng cường trang bị cho quân đội Sài Gòn

Việt Nam hóa chiến tranh thực chất không phải là sự rút lui chịu thua để tìm một lối thoát gọn ghẽ cho Mỹ mà là tìm mọi cách giành giật để kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Nói cách khác, với chiến lược mới này, Mỹ không hề từ bỏ các mục tiêu theo Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam còn theo người cộng sản là thực dân mới, mà thực hiện nó trong điều kiện buộc phải rút dần quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam, giảm dần chi phí chiến tranh mà theo dự tính của Mỹ sẽ chỉ còn ở mức thấp nhất, khoảng 5 tỉ đôla/năm thay vì 30 tỉ đôla/năm trong chiến tranh cục bộ. Với mức chi phí này, theo tính toán của chính quyền Nixon, ngân sách Chính phủ liên bang có thể chịu được, nhân dân Mỹ có thể chấp nhận và quên đi lời hứa của Nixon khi tranh cử tổng thống là "sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong sáu tháng sau ngày lên cầm quyền", ổn định được tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ.

Thực hiện kế hoạch của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Mỹ gấp rút củng cố và phát triển quân đội Việt Nam Cộng hòa có đủ sức đảm nhận toàn bộ trách nhiệm về an ninh của Việt Nam Cộng hòa để thay thế dần cho quân viễn chinh Mỹ, cũng như làm lực lượng nòng cốt cho "Khơ-me hóa", "Lào hóa" chiến tranh của Mỹ; đồng thời đẩy mạnh chương trình bình định, mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào.

Việc phát triển quân đội Việt Nam Cộng hòa, MỹViệt Nam Cộng hòa dự kiến cứ mỗi năm tăng từ 50.000 đến 100.000 quân cho đến khi quân đội này đạt 1.100.000 vào cuối năm 1971. Trong kế hoạch này, Mỹ chú trọng phát triển cả ba quân chủng Hải, Lục, Không quân, nhưng ưu tiên củng cố và phát triển Lục quân. Nếu năm 1969, Lục quân Việt Nam Cộng hòa chia thành bốn loại lực lượng xung kích, lực lượng chống xâm nhập; lực lượng bảo vệ đô thị; lực lượng yểm trợ xây dựng nông thôn thì từ năm 1970 trở đi, lực lượng này được tổ chức thành hai loại:

1. "Lực lượng lưu động" làm nhiệm vụ thường xuyên đánh phá căn cứ, hệ thống tiếp vận của quân Giải phóng, đẩy lùi, ngăn chặn chủ lực quân Giải phóng trở lại hoạt động trong nội địa.

2. "Lực lượng lãnh thổ" làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa, bình định nông thôn.

Các sư đoàn chủ lực bộ binh được bổ sung quân số, hoàn thiện biên chế: một sư đoàn có 12 tiểu đoàn, một trung đoàn có 4 tiểu đoàn. Các đơn vị biệt kích được cải tổ thành các tiểu đoàn biệt động quân biên phòng (37 tiểu đoàn). Hỏa lực yểm trợ cho Lục quân cũng được tăng cường. Trong 3 năm, lục quân Việt Nam Cộng hòa trang bị tăng lên 1.300 khẩu pháo và 10.000 súng cối các loại, 700.000 súng M16 - loại súng trường hiện đại nhất của quân Mỹ lúc bấy giờ, 30.000 súng phóng lựu, 10.000 đại liên các loại. Tăng-thiết giáp từ 1.037 chiếc năm 1968 lên 1.879 chiếc năm 1972. Mỹ rất quan tâm xây dựng khối bộ binh cơ động, dù, thủy quân Lục chiến. Khối bộ binh cơ động năm 1968 mới có 50 tiểu đoàn, đến cuối năm 1970 tăng lên 90 tiểu đoàn.

Với sự phát triển Lục quân như trên, đến tháng 6 năm 1970, theo Mỹ, quân Việt Nam Cộng hòa có thể đảm nhiệm hầu hết nhiệm vụ chiến đấu trên bộ. Ngày 1 tháng 7 năm 1970, bộ tư lệnh Lục quân Việt Nam Cộng hòa chính thức được thành lập.

Cùng với Lục quân, Hải quân cũng được phát triển. Cuối năm 1971, đầu năm 1972 lực lượng đã lên đến gần 50.000 quân, với 1.600 tàu các loại hoạt động trên biển và trên sông. Không quân Việt Nam Cộng hòa được củng cố và kiện toàn, quân số tăng nhanh từ 35.000 năm 1968 lên hơn 50.000 năm 1971. Với lực lượng đã được tăng cường, năm 1970, không quân Việt Nam Cộng hòa được tổ chức lại thành 6 sư đoàn, 1 phi đoàn liên lạc, 1 phi đoàn vận tải, 5 phi đoàn trực thăng, 3 phi đoàn khu trục, tổng cộng gần 1.500 máy bay các loại.

Nhìn chung sau 3 năm thực hiện kế hoạch "phát triển và hiện đại hóa quân đội", Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thu được kết quả đáng kể. Quân số Việt Nam Cộng hòa tăng nhanh, vũ khí trang bị được hiện đại hóa với tỷ lệ khá cao (vũ khí đạt 98,7%, quân xa cơ giới đạt 100%, thiết giáp, chiến xa đạt 99,5%, vô tuyến điện các loại đạt 75%), cơ cấu, tổ chức được củng cố thêm một bước. Từ năm 1968 đến năm 1972, quân số Việt Nam Cộng hòa tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1,05 triệu quân. Trong đó, Không quân tăng quân số tới 163%, Hải quân tăng 110%, Lục quân tăng gần 8% quân số.

Bình định nông thôn

Trong "Việt Nam hóa chiến tranh", Nixon coi bình định là "trận cuối cùng, ai thắng trận này sẽ thắng cuộc chiến tranh". Theo Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì bình định, dồn dân vào các ấp Tân sinh đời mới là biện pháp chiến lược quyết định sự tồn vong của chế độ Sài Gòn và sự thành, bại của Việt Nam hóa chiến tranh. Cho nên, Mỹ chia bình định làm nhiều giai đoạn để thực hiện: Bình định cấp tốc từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 6 năm 1969; bình định phát triển nông thôn từ tháng 7 năm 1969 đến tháng 6 năm 1970; bình định đặc biệt (7-1970 đến 2-1971) rồi chương trình "cộng đồng tự vệ" và "phát triển nông thôn" (3-1971 đến 3-1972).

Biện pháp cơ bản hàng đầu để thực hiện bình định là tăng cường mở rộng và đẩy mạnh quy mô, mật độ hành quân càn quét. Từ năm 1969, các cuộc hành quân càn quét của quân đội Mỹ-Việt Nam Cộng hòa tăng lên một cách đột ngột so với các năm trước đó, nhất là chiến trường Nam Bộ. Năm 1968 có 2.192 cuộc hành quân càn quét, năm 1969 tăng lên 4.344 cuộc, song chỉ riêng 10 tháng đầu năm 1970 đã có tới 745 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên. Nếu tính cả hoạt động dưới cấp tiểu đoàn, thì năm 1969 có 10.980 cuộc, năm 1970 tăng lên 23.783 cuộc hành quân càn quét.

Cùng với tăng cường và đẩy mạnh hành quân càn quét, Mỹ còn sử dụng chiến dịch Phượng Hoàng do phân cục tình báo CIA Mỹ ở Sài Gòn lập ra từ cuối năm 1967 dưới danh nghĩa là Văn phòng phụ tá đặc biệt (OSA) để hỗ trợ cho chương trình bình định. Từ năm 1969, tổ chức này phát triển nhanh với quy mô to lớn và sâu rộng từ trung ương đến địa phương với phương thức hoạt động đa dạng như sử dụng các tổ chức tình báo, cảnh sát chìm kết hợp khai thác những đối tượng đầu hàng, đầu thú, điều tra phân loại hạ tầng cơ sở cộng sản. Trên cơ sở đó phát hiện cán bộ cộng sản nằm vùng hoặc những người dân có cảm tình với cộng sản để bắt giam và tiêu diệt.

Theo đánh giá của chính quyền Sài Gòn, từ năm 1969 đến giữa năm 1970 là thời kỳ bình định đạt kết quả tốt nhất. Nhưng từ tháng 6 năm 1970, chương trình bình định bắt đầu bị chặn lại. Cuối năm 1971, theo báo cáo, chính quyền Sài Gòn đã kiểm soát được 7.194 ấp, chiếm 4,4% tổng số ấp loại A và B (loại ấp có an ninh vững), song theo đánh giá của Thompson, cố vấn bình định của Nixon sau khi đi kiểm tra 117 xã ở miền Nam thì: "An ninh bấp bênh, 70% số xã có cộng sản tồn tại. Nếu không giải quyết ngăn chặn thì ngày nào đó cộng sản sẽ lật đổ chế độ".

Ngoại giao quốc tế

Trong bối cảnh Liên Xô-Trung Quốc đang có mâu thuẫn gay gắt, Hoa Kỳ tích cực dùng các biện pháp ngoại giao để đào sâu chia rẽ, nhằm khiến 2 nước này chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà lãnh đạo quan trọng của chính phủ và giới học thuật Mỹ lập luận ủng hộ cái mà họ cho là một chính sách thực tế hơn là chấp nhận hợp tác với chính phủ Trung Quốc.

Ngày 26-6 năm 1969, Tổng thống Mỹ quyết định thay đổi một vài điều kiểm soát mậu dịch đối với nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông. Ngay sau đó, Nixon cũng đề nghị Tổng thống Pakistan Agha Muhammad Yahya Khan và lãnh tụ România Ceaucescu chuyển cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa biết ý muốn nối lại Ngoại giao của mình.[3]

Ngày 27 tháng 4/1971, Đại sứ Pakistan chuyển cho Henry Kissinger một thông điệp của Chu cho biết "Chính phủ Trung Quốc xác nhận lại sự sẵn sàng đón tiếp công khai ở Bắc Kinh một phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ hoặc Ngoại trưởng hoặc thậm chí bản thân Tổng thống Mỹ".

Một vấn đề quan trọng 2 bên cần bàn thảo là về cuộc chiến tại Việt Nam. Washington hy vọng giành được sự giúp đỡ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam một cách thuận lợi, cho phép Hoa Kỳ "luồn lách trong danh dự" ra khỏi Việt Nam. Theo tính toán, Tổng thống Mỹ phải cố gắng thuyết phục Mao-Chu ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến.[4]

Kết quả quan trọng của Mỹ là bản Thông cáo Thượng Hải. Những nội dung cơ bản liên quan tới Việt Nam là:

1. Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương; đổi lại, Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc phối hợp chống "bá quyền" Liên Xô.

2. Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam, không tiếp tục viện trợ hay ủng hộ sự thống nhất của Việt Nam; đổi lại, Hoa Kỳ giảm dần đi đến triệt thoái các căn cứ quân sự và quân đội Hoa Kỳ ở Đài Loan.

3. Trung Quốc đồng ý công nhận Việt Nam Cộng hoà; không ủng hộ các hành động quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; không chấp nhận thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam sau khi có hiệp định hòa bình; đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế Thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc).

Sau khi bản thông cáo được chấp thuận, Trung Quốc đã ngừng cung cấp viện trợ mới cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ sau 1972. Phía Liên Xô do không muốn đẩy cao căng thẳng với Trung Quốc, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn 1 (SALT I). Do đó từ cuối năm 1971, người Nga đã giảm bớt cung cấp vũ khí hạng nặng cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đạn tên lửa SA-2 giảm từ 45 cơ số/năm xuống 12 cơ số/năm. Phụ tùng MiG-21 từ 50 đơn vị/năm xuống còn 20 đơn vị/năm. Các loại vũ khí mới hơn như: Xe tăng T-62, tên lửa SA-3, máy bay MiG-23... không được viện trợ cho Việt Nam, dù những vũ khí này đã không còn mới mẻ và đã được Liên Xô viện trợ cho khối Ả Rập[5] Tổng hợp lại, lượng viện trợ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ sau 1972 đã giảm 60% so với trước.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt_Nam_hóa_chiến_tranh http://www.archives.gov/research/vietnam-war/casua... http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/viet-v... http://baoquocte.vn/cuoc-dua-thang-41975-cua-phap-... http://baotintuc.vn/thoi-su/chien-thang-duong-9-na... http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=152260&s... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-... http://dav.edu.vn/en/introduction/history-and-deve... http://backan.gov.vn/Pages/tin-tuc-su-kien-215/tin... http://www.tuyengiao.vn/Home/Tulieu/tulieuchuyende... http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/40-nam-chien-thang...